Ký ức Hoa Học Trò xưa: Khởi dựng bóng đá nữ Hoa Học Trò






Sáng kiến thành lập bóng đá nữ không phải bắt nguồn từ ý định của Tòa soạn, mà là của mấy cô nàng trong Hội bút Hương Đầu Mùa. Hôm ấy, ngày 23-7- 1992 (sử quan đã ghi như vậy) cả bọn ngồi vây quanh chiếc bàn bóng bàn trên hội trường số 5 Hòa Mã, vừa trò chuyện vừa măm măm hoa quả. Hai cô nàng Hoàng Phương và Kiều Ly hí hoáy viết gì đó rồi chuyền tay nhau ký “kiến nghị” chuyển cho Trưởng ban biên tập Nguyễn Như Mai kèm theo danh sách “đội bóng” gồm 20 nữ cầu thủ.

Ngay tuần sau nghỉ họp, Hội bút kéo ra sân Quán Thánh. Tôi gặp HLV Tạ Quang Hậu nhờ anh làm huấn luyện viên. Tạ Quang Hậu ngạc nhiên hỏi: “Bóng đâu? Sao lại đi chân đất cả thế này? Thì ra lòng hăng hái hừng hực, nhưng chưa chuẩn bị gì cả, cứ thế kéo nhau đến sân”. Chợt có một cô nàng võ sinh karate đèo quả bóng đi qua. Quân ta sán đến gạ: Này, các ấy có dám đấu không? Chạm vào tự ái, các võ sĩ “sợ gì”. Nhưng bên họ chỉ có 10 cầu thủ, tôi bèn xung phong làm thủ môn, tự giới thiệu mình thời sinh viên đã từng là cầu thủ bóng rổ của khoa.

Tuýt tuýt, tiếng còi của trọng tài Hậu vang lên. Cả hai đội xông xáo sử dụng chiến thuật “ruồi bâu” đá tung bụi mù. Như một cơn lốc, cầu thủ đội HHT lao lên sút. Thủ môn Như Mai ngã lăn quay, nhưng may bóng vọt qua cột khung thành... dép ra ngoài. Đến lượt đội Karate phản công áp sát khung thành. Hậu vệ Kiều Ly kính cận vài điôp quờ quạng giơ tay cản bóng. Phạt penanti! Sút! Hoan hô thủ môn Hoàng Phương cứu nguy một quả thua trông thấy... (Trích tường thuật của Nguyễn Như Mai và Hoàng Phương).

Ngay sau đó, trên số báo chuẩn bị kỷ niệm HHT 1 tuổi (30-9), trên trang “Nhất quỷ, nhì ma”... có đăng một thông báo “Nhắn bạn” vẻn vẹn bằng con tem, rằng bạn gái nào có sức khỏe và sở thích đá bóng thì đến sân vận động Quán Thánh ghi tên vào 7h30 - 8h chủ nhật 4-10-1992.

Tôi và Lưu Quang Định đến nơi đã thấy lố nhố rất đông bạn gái tề tựu. Bất ngờ trời đổ mưa như trút. HLV Tạ Quang Hậu cho tất cả chạy vào phòng thi đấu bóng bàn. Danh sách ghi tên tới khoảng 200 người. Tạ Quang Hậu gọi tên từng ứng viên ra cho sút bóng mất cả buổi. Từ đó lọc ra được tới 60 người lọt vào vòng sơ tuyển. Tòa soạn nhắc tôi là phải bắt các em viết đơn và có sự đồng ý của phụ huynh mới được tập luyện.

Được sự ủng hộ của Giám đốc Nguyễn Đình Hán- vốn là danh thủ của đội Thể Công, từ đó hàng tuần đều có buổi tập luyện. Cầu thủ quá đông phải chia ra thành ba sân tập. Một mình HLV Hậu không xoay xở được, giám đốc Hán cũng hăng hái tham gia hướng dẫn.

Khổ thân tôi ngày ấy, tất cả chủ nhật đều phải đến họp hội bút hoặc xách giầy bata đi đá bóng với lũ nữ yêu. Những ngày đầu còn có sự hỗ trợ của Lưu Quang Định. Nhưng anh này vẫn bị vợ quản lý chặt, nên phải kéo cả vợ đến... tập tenis!

Tòa soạn còn nghèo chưa có điều kiện cung cấp giầy và áo cho các cầu thủ. Tôi còn nhớ một đôi ba ta khi đó giá 5 ngàn đồng. Nên hầu như các em đều đá chân đất. Nhưng lòng mê say, háo hức thì thực đáng khâm phục. Cô bé Mai Phương xinh đẹp học sinh Trường Kim Liên nằng nặc ở lại chơi bóng, không chịu theo bố mẹ sang Tiệp. Cũng một cô bé tên Phương khác, người cao nhưng gày bị bóng đá trúng vào ngực ngã lăn bất tỉnh. HLV Hậu phải đèo xe máy đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Cả một lũ đạp xe đạp đuổi theo. Thể mà tuần sau Phương lại có mặt trên bãi tập.

Rồi sàng lọc dần và tiếp tục bổ sung những nhân tố mới. Tôi còn nhớ một số trường hợp đặc biệt.

Có một cô bé mới học lớp 7 đạp xe đến từ trường Tân Triều, bé tròn như một chú bé đến xin vào đội. Em vào đá thử, động tác khá điêu luyện, được HLV Tạ Quang Hậu OK ngay. Đó là Nguyễn Thúy Nga, về sau trở thành tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển nữ VN, ngày nay là một HLV bóng đá nữ.

Một hôm khác, có một cô bé cao dong dỏng, ăn mặc khá bụi, đi dép lê đến gặp tôi. Em cho biết đang tham gia CLB Cầu lông, nhưng thích đã bóng, nên xin chuyển sang. Đó là Nguyễn Thị Hà học lớp 9 từ Trường Ngọc Thụy, Gia Lâm, đã từng đoạt giải nhất môn chạy của học sinh Thủ đô. Hà lại được bố ưu ái cho đá bóng, chủ nhật nào cũng được bố đèo qua cầu Long Biên đến sân Quán Thánh. Sau này Hà trở thành một danh thủ của đội tuyển quốc gia.

Cũng như Hà, Vũ Hải Yến còn ở xa hơn mãi tận Sóc Sơn, cách nơi tập 40 km. Buổi tập nào Yến cũng được bố rinh đến, không bao giờ vắng mặt.

Phùng Thị Minh Nguyệt khi đó đang học lớp 12 PT Công nghiệp, đá bóng rất khá, nhưng bận học cuối cấp, bỏ dở không tham gia. Tôi và một PV nữa đến tận trường thuyết phục để Minh Nguyệt tiếp tục chơi bóng. Không biết việc “níu kéo” ấy đúng hay sai, nhưng cũng đã cung cấp cho bóng đá nữ một tiền đạo xuất sắc thế hệ đầu tiên. Và sau này trở thành HLV bóng đá nữ.

Thu Hương đã là sinh viên Trường Cao đẳng TDTT từ Từ Sơn, nhưng thuộc CLB Quảng Ninh, tuần nào cũng có mặt để đọ giày.

Hồi ấy tôi ở nhà tập thể trước một trường học ở Đội Cấn, ngày nào cũng thấy một cô sinh viên tên là Nguyễn Giang Hiếu say mê tự mình vờn bóng. Tôi bèn mời Hiếu tham gia đội bóng nữ. Hiếu có kỹ thuật chơi bóng rất cơ bản, lại là đàn chị nên được bầu làm đội trưởng. Tuy nhiên, cô sắp thi tốt nghiệp kỹ sư ĐH Giao thông, nên sau đó phải chia tay với bóng đá. Đội trưởng tiếp theo là Bùi Hiền Lương, cô nữ cầu thủ có hoa tay, thích vẽ; người tầm thước nhưng làm một tiền đạo dũng mãnh. Hiền Lương về sau trở thành đội trưởng có uy tín của đội tuyển nữ quốc gia.

Không chỉ Hiếu, mà nhiều cô nàng có năng khiếu nhưng cũng đành “bỏ cuộc chơi” vì theo đuổi việc học hành. Thủ môn Giáng Hương học trò Trường Nguyễn Gia Thiều bắt bóng rất dính, nhưng vì hoàn cảnh gia đình phải chuyển sang học nghề du lịch, trở thành một đầu bếp của một khách sạn cao cấp ở Hà Nội. Thủ môn Bùi Thị Mai cũng vậy. Đến ngay cô nàng “khởi xướng” là Hoàng Phương cũng bái bai bóng đá, đi vào nghề báo, nhưng vẫn gắn bó với ngành văn hóa thể thao trên truyền hình.

Chuyện con gái đá bóng hồi ấy cũng là một sự kiện gây xôn xao dư luận. Trong một lần bàn chuyện với Trung tâm thể dục thể thao, tình cờ gặp một vị thành ủy viên, ông ta nói với tôi bóng đá nam còn chẳng ăn ai, bày đặt bóng đã nữ làm gì. Nhưng nói chung rất nhiều người hoan nghênh. Một số PV các báo cũng đến sân tập với các em. Tôi nhớ anh chàng Ngọc Quang báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn tháp tùng nữ cầu thủ Mai Phương như bóng với hình. Không biết sau này có nên chuyện hay không?

Cuối cùng, đội bóng đá nữ mang tên Hoa Học Trò cũng hình thành và được Tòa soạn cung cấp quần áo cầu thủ cùng bóng và lưới.

Mừng xuân Quý Dậu 93, lần đầu tiên bóng đá nữ Hoa Học Trò ra quân thi đấu với đội bóng đá nữ của trường Hà Nội - Amsterdam. Do đã được tập tành nên HHT dễ dàng “đè bẹp” đối thủ với tỉ số 4-0.

Đến dịp kỷ niệm 26- 3, một giải thi đấu bóng đá nữ đầu tiên của Hà Nội được tổ chức tại sân vận động Quân đội. Sau một vòng loại, có bốn đội được vào chung kết: CLB Hoa Học Trò, Trường Trung học Kinh tế Hà Nội, Trường PT Hà Nội - Amsterdam và CLB Ba Đình (đội 2 tách ra từ Hoa Học Trò).

Trên sân vận động, sáu ngàn cổ động viên tới cổ vũ. Bốn đội thi đấu vòng tròn. CLB Hoa Học Trò đoạt Cup, toàn thắng 3 trận được 9 điểm. Đội nữ Trường Ams được mệnh danh là “đội bóng Hồng Lâu Mộng” vì toàn là người đẹp duyên dáng đoạt giải Fair Play. Giải cũng bầu chọn ra hai nữ cầu thủ xuất sắc nhất. Đó chính là Nguyễn Thị Hà ghi tới 7 bàn thắng, cùng với Nguyễn Thị Thúy Nga, người chơi hay nhất trên sân. Các PV còn bình bầu Miss - hoa hậu của giải và người đẹp được vinh danh là trung vệ Minh Hương, Trường TH Kinh tế.

Đến dự và trao giải có cả Bộ trưởng phụ trách thể thao Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Hồ Đức Việt và giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Rất nhiều báo chí đến đưa tin như một sự kiện thể thao mới. Oách quá chứ lị.

Tiếng vang của bóng đá nữ Hà Thành bắt đầu lan xa. Đội bóng nữ của Than Quảng Ninh quyết chí lên đường đến Thủ đô thách đấu. Có cả chủ tịch tỉnh đến cổ vũ. Trận đấu diễn ra tại Sân vận động Quân đội có rất đông cổ động viên. Hiệp 1 hai đội còn dền dứ, đến hiệp 2 HHT chiếm ưu thế vượt trội. Nguyễn Thị Hà không những đá phạt penanti rất quái mà còn sút phạt góc một quả đẹp mắt, bóng đi vòng cung váo lưới đội bạn.

Các nữ cầu thủ Quảng Ninh thua nhưng chưa chịu, mời HHT đến đất Mỏ để “rửa hận”. Lần đầu tiên HHT du đấu, PV Lưu Quang Định được cử đi tháp tùng và... bảo vệ các em. HHT lại toàn thắng.

Sau đó là những trận đấu với kỳ phùng địch thủ là CLB Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh.

Từ “cái thuở ngày xưa lưu luyến ấy”, CLB Hoa Học Trò đã hòa vào phong trào bóng đá nữ toàn quốc, góp những tài năng cho đội tuyển quốc gia, chẳng bao lâu đã trở thành “một thế lực” trong làng bóng Đông Nam Á.

Lần đầu tiên giành Huy chương Vàng trở về, các cầu thủ nữ vẫn nhớ đến “cái nôi” ra đời, đem đến tặng báo Hoa một quả bóng có đủ chữ ký của các danh thủ và... một lời thách đấu.

Các PV báo Thiếu niên tiền phong - Hoa Học Trò vội vàng lập đội, bổ sung cả con trai của Phong Doanh và Nguyễn Như Mai. Và trận đấu đã diễn ra, không cần dự đoán cũng biết là các PV đã thua liểng xiểng, phải mang rổ vào hứng bóng như thế nào.

Các bạn ạ, khi theo dõi truyền hình các trận thi đấu của đội tuyển nước ta với đội tuyển các nước ĐNÁ, tôi có một cảm xúc rất lạ. Tự hào vô cùng khi các em làm bàn, và rất xót xa khi các em bị đốn ngã. Thật lạ, khi xem các đội bóng nam thi đấu mình không có những cảm giác ấy.

*

Lứa cầu thủ nữ đầu tiên ấy hiện đã nhường sân chơi cho mấy thế hệ đàn em. Nhưng niềm đam mê bóng đá của họ vẫn không hề mất đi. Nguyễn Giang Hiếu đã tập hợp chị em lại thành lập CLB cựu nữ cầu thủ Hoa Học Trò. Mặc dù nhiều người đã làm mẹ, hàng tuần vẫn đem con ra sân bóng tập luyện và thi đấu giao lưu với các CLB nam.
Tôi rất vui, được các bạn mời vào trang CLB của họ và được cùng HLV Tạ Quang Hậu tham gia những bữa tiệc vui kỷ niệm với CLB.

- Nguyễn Như Mai (Nguyên trưởng ban biên tập báo HHT) -



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này